Những người khi được chẩn đoán mắc u máu ở gan thường rơi vào trạng thái vô cùng lo sợ bởi cảm giác “ung thư gan” như đang đến gần. Vậy thực chất u máu ở gan có nguy hiểm không?
Thực tế, u máu vốn là một dạng bướu lành xuất hiện ở gan. Hiện nay, chưa có bất cứ tài liệu khoa học nào cho thấy u máu có thể phát triển trở thành ung thư. Tuy nhiên trong một số trường hợp, khi khối u vỡ ra đột ngột cũng tiềm ẩn nguy cơ gây hại nhất định.
1. Tại sao u máu xuất hiện trong gan?
U máu trong gan là dạng khối u lành tính, phổ biến với tỉ lệ 5-7% người khỏe mạnh hiện đang mắc phải. Trong đó, số nữ giới phát hiện có u máu thường cao gấp 6 lần so với nam giới. Hiện nay, các nhà khoa học chưa chỉ ra được nguyên nhân cụ thể gây nên u máu trong gan. Tuy nhiên, rất có thể hormon sinh dục nữ giữ vai trò lớn trong việc hình thành và phát triển của khối u này.
2. U máu ở gan có nguy hiểm không?
Về mức độ ảnh hưởng đối với sức khỏe, đa phần u máu không gây nguy hiểm do chúng khá lành tính. Người bệnh ít có dấu hiệu cụ thể, chỉ tình cờ phát hiện khối u trong các trường hợp như kiểm tra sức khỏe định kỳ, siêu âm gan hoặc chụp cắt lớp vi tính. Các khối u cũng thường có kích thước dưới 1cm. Chỉ một số trường hợp có khối u lớn trên 4cm, có vị trí gần bao gan sẽ gây ra một số triệu chứng cho người bệnh như đau bụng, buồn nôn hoặc gan to. Với người có sức khỏe bình thường, u máu thường không tự vỡ, chỉ vỡ khi người bệnh bị ngã hoặc bị chấn thương vùng gan. Lúc này, u vỡ đột ngột có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Ngoài ra, với phụ nữ mang thai đang sử dụng liệu pháp hormon hoặc người đang dùng thuốc tránh thai, mắc các bệnh về gan, u máu có thể tiềm ẩn những nguy cơ biến chứng nhất định. Tiêu biểu trong số đó là khả năng u máu lan rộng, gây tổn thương cho gan... Di đó, khi phát hiện u máu trong trường hợp nói trên, các bạn nên nên nhờ sự tư vấn của bác sĩ để kiểm soát nguy cơ biến chứng.
3. Theo dõi và điều trị bệnh khi phát hiện u máu
Tâm lý người bệnh khi phát hiện u máu thường cảm thấy vô cùng lo lắng và tìm kiếm giải pháp điều trị triệt để. Tuy nhiên, bạn cần bình tĩnh xem xét vấn đề bởi đa phần các trường hợp u máu trong gan đều không cần điều trị. Thay vào đó, bạn chỉ cần chú ý thăm khám thường xuyên và áp dụng các giải pháp giúp kiểm soát khối u.
Thông thường, nếu qua theo dõi thấy khối u có sự phát triển hoặc khối u gây ra các triệu chứng gây đau, tổn thương gan. Lúc này, các bác sĩ sẽ chẩn đoán chính xác và quyết định phẫu thuật để loại bỏ chúng.
Trong một số trường hợp, nếu nhận thấy khối u phát triển nhanh, các bác sĩ sẽ tiến hành thắt lại động mạch cung cấp máu cho khối u để ngăn chặn sự phát triển của nói. Với phương pháp này, quá trình cung cấp máu tới khối u sẽ bị chặn lại trong khi các khu vực xung quanh gan vẫn nhận được máu từ động mạch khác nên vẫn duy trì trạng thái khỏe mạnh.
Khi các biện pháp nói trên không phát huy tác dụng, không hiệu quả hoặc số lượng khối u quá nhiều, khối u có kích cỡ lớn. Lúc này, người bệnh sẽ cần đến phương pháp phẫu thuật ghép gan. Đây là phương pháp tốn kém, chỉ thực hiện khi thực sự cần thiết.
Nhìn chung, tình trạng u máu ở mỗi người vốn có sự khác biệt nhất định. Thế nên, để tìm được phương án điều trị phù hợp, các bạn cần tiến hành thăm khám cụ thể và nhờ sự tư vấn của bác sĩ để giảm thiểu nguy cơ phát triển, biến chứng.
Khi mắc u máu, việc chú ý chăm sóc gan cũng là yếu tố vô cùng quan trọng. Các bạn nên chú ý duy trì bữa ăn lành mạnh, không sử dụng rượu, bia và các chất kích thích khác. Điều này giúp bảo vệ sức khỏe nói chung cũng như ngăn ngừa nguy cơ mắc phải các bệnh về gan nói riêng.