Thịt trâu gác bếp vốn là đặc sản do người Thái đen sáng tạo ra, xưa kia họ nghĩ ra cách ướp thịt trâu, bò treo lên gác bếp để có thể bảo quản được lâu, dùng trong những ngày lễ tết, cỗ bàn hay những dịp quan trọng.

Đặc biệt, món ăn phát huy tác dụng bổ sung dinh dưỡng cho người đi rừng dài ngày và làm thức ăn trong mùa mưa lũ khó ra ngoài lấy thức ăn. Ngày nay, món ăn này trở thành đặc sản phổ biến, thường có mặt trong bữa cơm của dân bản, được các thực khách miền xuôi rất ưa thích.

Để chế biến ra thịt trâu gác bếp không khó nhưng lại rất mất công. Người ta thường cắt những mảng thịt to và chắc ở vai, lưng, bắp con trâu, bò hoặc lợn rồi xẻ các thớ thịt ra thành từng miếng hình con chì. Sau đó họ đem ướp với rất nhiều loại gia vị: ớt, muối, gừng, nước lá rừng, đặc biệt không thể thiếu lá hoặc hạt mắc khén (một loại hạt tiêu rừng) và treo lên gác bếp hun khói từ 8 – 12 tháng cho óng đen, quắt khô.

Thịt trâu khô bên ngoài thì khô và màu nâu thẫm, nhưng phần trong vẫn hồng hào, tươi đỏ, ngọt đậm đà. Cách ăn phổ biến nhất là xé nhỏ, chấm cùng chẳm chéo làm mồi nhậu, cầu kỳ hơn người ta xé nhỏ ra làm nộm, cào, nấu, lẩu… Trong nhà người dân vùng cao vẫn thường trữ một ít thịt trâu gác bếp, dùng khi có khách quý đến chơi sẽ đem ra mời.

Thú vị nhất là thưởng thức thịt trâu gác bếp trong một ngày se lạnh. Xé thịt chấm với chẩm chéo nhâm nhi với chén rượu ngô cay xè thơm lừng, cảm nhận vị ngọt, vị cay, mùi thơm nơi đầu lưỡi khiến người ta thích thú. Đây là món quà tết được ưa chuộng mỗi khi xuân sang.

Nếu có điều kiện bạn hãy đến Mộc Châu vào những ngày cuối năm để được chiêm ngưỡng những khung cảnh đẹp như thần tiên vào thời điểm này: rừng hoa mận nở trắng cao nguyên, mùa hoa đào tươi thắm, đồi chè đẹp mờ ảo trong màn sương,…